Vài năm trở lại đây, điện mặt trời có sự tăng trưởng vượt bậc nhờ các chính sách khuyến khích của Chính phủ với cơ chế giá hấp dẫn. Chính vì thế, khi Quyết định 13 với giá FIT 2 đã hết hiệu lực, giá mới cho điện mặt trời áp mái theo dự thảo có thể giảm tới 30%, nhiều người đã đặt câu hỏi liệu có nên đầu tư điện mặt trời?
Giá bán hấp dẫn, điện mặt trời tăng trưởng rất nhanh
Trong khi đã phát triển trên thế giới được vài thập niên, tại Việt Nam, điện mặt trời mới được chú ý những năm gần đây và đặc biệt có sự tăng trưởng mạnh mẽ trong vòng 2-3 năm nay. Có thể nói động lực chính của sự tăng trưởng vượt bậc ấy đến từ giá bán điện mặt trời hấp dẫn với cơ chế khuyến khích của Chính phủ.
Từ công suất không đáng kể, giá FIT (theo Quyết định số 11/2017/QĐ-TTg ngày 11/4/2017 của Thủ tướng Chính phủ) đã mang đến hơn 4,46 GW điện mặt trời cho thị trường điện Việt Nam tính đến hết ngày 30/6/2019 – chiếm tỷ lệ 8,28% công suất lắp đặt của hệ thống điện thời điểm đó. Giá FIT 2 (theo Quyết định số 13/2020/QĐ-TTg ngày 06/4/2020 của Thủ tướng Chính phủ) tiếp tục là “cú hích”, nâng tổng công suất lắp đặt điện mặt trời trên cả nước (tính đến hết ngày 31/12/2020) lên đạt khoảng 19.400 MWp (tương đương 16.500 MW), chiếm khoảng 25% tổng công suất lắp đặt nguồn điện của hệ thống điện Quốc gia. Điện mặt trời trở thành lĩnh vực hút vốn đầu tư hàng đầu, đối với các nhà đầu tư trong nước và quốc tế.
Giai đoạn 2018-2020, điện mặt trời tăng trưởng mạnh với rất nhiều dự án quy mô lớn
Sự phát triển mạnh mẽ của điện mặt trời trong vòng vài năm đã giúp bổ sung nguồn điện sạch dồi dào cho hệ thống, trong bối cảnh tình trạng thiếu điện nghiêm trọng có nguy cơ hiện hữu và việc chuyển dịch cơ cấu năng lượng sang năng lượng sạch, giảm phát thải khí nhà kính đã trở thành xu hướng toàn cầu. Tuy nhiên, việc tập trung nhiều dự án điện mặt trời tại một số tỉnh có tiềm năng phát triển điện mặt trời tốt nhất (số giờ nắng trong năm cao, lượng bức xạ mặt trời lớn) trong khi nhu cầu tiêu thụ điện tại chỗ thấp đã gây áp lực lên hệ thống truyền tải và phân phối điện. Đây không chỉ là bài toán đặt ra cho đơn vị vận hành điện mà cho cả các nhà đầu tư khi muốn tối ưu lợi nhuận từ điện mặt trời.
Điện mặt trời phân tán ở khu vực phụ tải cao: Xu hướng và cơ hội
Điện mặt trời nói riêng, năng lượng tái tạo nói chung không chỉ giúp giải quyết bài toán năng lượng cho ngành điện, mà còn mang lại những lợi ích cho môi trường và xã hội, đồng thời giúp Việt Nam thực hiện các cam kết về giảm phát thải khí nhà kính và tăng tỷ lệ năng lượng tái tạo. Định hướng chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 (theo Nghị quyết số 55-NQ/TW của Bộ Chính trị) cũng nêu rõ: “Ưu tiên khai thác, sử dụng triệt để và hiệu quả các nguồn năng lượng tái tạo, năng lượng mới, năng lượng sạch”.
Tuy nhiên, theo dự thảo cơ chế giá điện mặt trời áp mái mà Bộ Công Thương đang hoàn thiện và trình Chính phủ để thay thế cho Quyết định 13 đã hết hiệu lực, giá điện mặt trời áp mái có thể giảm khoảng 30% so với mức hiện tại. Theo đánh giá, mức giá này dù không còn hấp dẫn như FIT 2 nhưng vẫn đảm bảo lợi nhuận cho nhà đầu tư. Điều quan trọng, chính sách này khuyến khích các nhà đầu tư là các doanh nghiệp phát triển năng lượng sạch phục vụ hoạt động kinh doanh, sản xuất. Vì thế, điện mặt trời phân tán ở khu vực phụ tải cao (như tại các tỉnh thành phát triển công nghiệp, các khu công nghiệp, khu chế xuất…) với hình thức tự sản xuất – tự tiêu thụ được nhận định sẽ phát triển mạnh hơn trong thời gian tới.
Điện mặt trời sẽ vẫn tiếp tục phát triển mạnh ở khu vực phụ tải cao với các hệ thống áp mái phân tán, đặc biệt là mô hình ESCO
Theo ghi nhận thực tế từ QP Energy, điện mặt trời ngày càng nhận được sự quan tâm của các doanh nghiệp, kể cả khi đã không còn FIT 2. Đó là bởi, với các doanh nghiệp, việc sử dụng năng lượng sạch không chỉ đơn thuần là bài toán kinh tế trực tiếp từ việc giảm hóa đơn tiền điện hay bán điện dư mà quan trọng hơn là một giải pháp hướng tới sản xuất xanh, phát triển bền vững, mở ra các cơ hội cạnh tranh trên thị trường, nhất là những thị trường quốc tế “khó tính”. Chính vì vậy, bên cạnh hình thức doanh nghiệp tự đầu tư hệ thống điện mặt trời trên mái nhà máy, mô hình ESCO cũng ngày càng được ưa chuộng. Mô hình này giúp doanh nghiệp đạt được tất cả những mục đích trên mà không phải bỏ vốn đầu tư ban đầu, chỉ cần tận dụng mái nhà xưởng đang nhàn rỗi. Doanh nghiệp cũng không phải quan tâm đến công tác vận hành bảo dưỡng trong suốt thời gian hợp đồng. Hiện ngày càng nhiều doanh nghiệp đang tận dụng mô hình này trong lộ trình “xanh hóa”.
Việc phát triển điện mặt trời phân tán ở khu vực phụ tải cao đồng thời sẽ giúp giảm áp lực đầu tư lưới truyền tải và phân phối điện. Nếu kết hợp với các giải pháp lưu trữ năng lượng và hệ thống giám sát điều khiển – thu thập số liệu Tích hợp công nghệ quản lý từ xa qua (Solar System Operation Center – SSOC), đây sẽ là “chìa khóa” giúp năng lượng tái tạo ngày càng phát triển bền vững ở Việt Nam.
Tại Hội nghị thượng đỉnh trực tuyến về khí hậu (tháng 4/2021) với sự tham gia của lãnh đạo 40 quốc gia, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã nhấn mạnh cam kết của Việt Nam là đến năm 2030 sẽ giảm 9% tổng lượng phát thải khí nhà kính bằng nguồn lực trong nước và giảm đến 27% khi có hỗ trợ quốc tế song phương, đa phương. Chủ tịch nước cũng cho biết Việt Nam sẽ tăng nhanh tỷ lệ năng lượng tái tạo lên 20% tổng nguồn cung sơ cấp vào 2030 và đạt 30% đến 2045; mức độ phát thải trên tổng GDP đến 2030 giảm gần 15% và phát thải khí Metan trong sản xuất nông nghiệp giảm đến 10%. |